Việc học tập ở một đất nước khác có thể sẽ rất căng thẳng khi chúng ta phải học bằng một ngôn ngữ khác và học cách làm quen với chương trình giảng dạy khác.
Trong tình huống đó, mỗi người đều có cách tiếp cận việc học khác nhau và Time Study tin rằng, bạn có thể bắt đầu việc học một cách hiệu quả hơn bằng việc tìm xem điều gì phù hợp với mình và điều gì không. Nói cách khác, một điều quan trọng mà chúng ta cần là làm quen với các cách khác nhau để duy trì thói quen học tập của chúng ta!
“Là một sinh viên quốc tế, điều quan trọng là bạn phải hiểu cách cân bằng giữa việc học và cuộc sống cá nhân mà không khiến bản thân bị căng thẳng. Với hầu hết các trường ở Úc, bài kiểm tra cuối kỳ chiếm phần lớn điểm số của kỳ học, từ 40-60%, vì vậy, bạn sẽ cần xây dựng một chiến lược học tập hiệu quả để có thể hoàn thành từ 3-4 bài thi như vậy trong khoảng thời gian ngắn. Bởi đôi khi học một cách thông minh sẽ tốt hơn là học một cách chăm chỉ.”
1) Hãy bắt đầu sớm
Là một sinh viên quốc tế, bạn có thể thích khám phá nước Úc. Tuy nhiên, bạn cũng cần học cách quản lý kế hoạch và chiến lược học tập của mình. Ngoài ra, việc là sinh viên không phải người bản xứ có thể khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để làm quen với hệ thống giáo dục của Úc, không giống như các bạn cùng lớp ở địa phương. Bạn nên bắt đầu sớm để có thế vững vàng hơn khi đến giờ ôn thi, đặc biệt là kỳ thi cuối kỳ.
2) Hãy tạo một nhóm học tập
Nếu bạn có thắc mắc gì, hãy hỏi họ! Ban đầu sẽ có thể khó khăn, nhưng đừng ngần ngại khi nhờ giảng viên hoặc bạn bè giúp đỡ trong quá trình học tập. Bởi sẽ tốt hơn nếu biến việc học của bạn thành một hoạt động xã hội bằng cách lập nhóm học tập với bạn bè và các sinh viên quốc tế khác.
Trong học nhóm, các bạn có thể động viên nhau, hỏi và trả lời các câu hỏi, đồng thời tạo ra một không gian thú vị để các bạn có thể tiếp thu thêm kiến thức và kinh nghiệm nhanh hơn. Cách học này thậm chí có thể cải thiện quá trình học tập và khả năng lưu giữ thông tin của não bạn. Đây có thể là một chiến lược “một mũi tên trúng hai đích” vì bạn có thể vừa học tập vừa xây dựng mối quan hệ với bạn bè của mình!
3) Sắp xếp mọi thứ gọn gàng
Trước khi bắt đầu học, tốt hơn hết bạn nên sắp xếp mọi thứ một cách ngăn nắp. Điều đơn giản nhất là đảm bảo rằng bạn có sẵn tất cả tài liệu học tập tham khảo như slide bài giảng, sách và những đồ dùng học tập cần thiết trước khi bắt đầu.
Tạo một lịch trình để biết bạn sẽ học hoặc ôn tập những gì hàng ngày. Hãy xây dựng kế hoạch theo lộ trình thực tế nhất có thể bằng việc ghi cả những hoạt động khác mà bạn có thể tham gia vào trong lịch trình ôn tập.
Nếu có thể, hãy để lịch trình trên bàn hoặc gần khu vực học tập để nhắc nhở bạn. Nếu bạn thích ghi chú trên điện thoại hoặc laptop, hãy cố gắng đóng tất cả các tab không cần thiết. Điều quan trọng là bạn phải tránh bị phân tâm bởi mạng xã hội, email, tin nhắn hoặc bất kỳ hoạt động tương tự nào.
4) Thi thử
Nếu có thể, hãy tìm đề thi mẫu của các năm trước để thực hành nhiều nhất có thể. Những bài mẫu này thường do giảng viên của bạn cung cấp để giúp bạn làm quen với các chỉ tiêu đánh giá như mẫu và cấu trúc của câu hỏi. Bạn cũng có thể tự dành thời gian làm bài để xem kết quả của việc ôn tập đạt được như thế nào.
5) Sử dụng các tài liệu của trường đại học và các dịch vụ hỗ trợ
Bạn nên tận dụng tối đa các tài liệu học tập sẵn có. Hầu hết các trường đại học ở Úc đều cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh viên quốc tế bao gồm các nhân viên chuyên môn như cố vấn. Những nhân viên chuyên môn này có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề cá nhân hoặc học tập mà bạn đang gặp phải. Bạn cũng có thể tham dự các hội thảo và hội nghị trong trường liên quan đến môn học của bạn. Hãy nhớ rằng các giảng viên ở các trường đại học Úc cực kỳ nhiệt tình hỗ trợ và dễ gần. Bạn có thể dễ dàng liên hệ với họ để giải đáp mọi nghi ngờ hoặc thắc mắc.
6) Đừng học quá nhiều
Đây là điều quan trọng nhất mà bạn cần hiểu. Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt. Một số sinh viên có xu hướng học tập quá mức vì họ bị áp lực phải học tốt. Điều này có thể dẫn đến thói quen ăn uống không điều độ, căng thẳng và thiếu ngủ,, cuối cùng có thể dẫn đến điểm thấp hơn. Là sinh viên, bạn cần hiểu khi nào nên dừng lại. Hãy nhớ rằng, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc cũng quan trọng như việc học trước kỳ thi. Hãy nhớ rằng chỉ cần bạn cố gắng hết sức và quan tâm đến tình trạng của bản thân thì mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp.
Chúc may mắn với hành trình học tập của bạn!